Bài viết được lấy từ bài của bookhunterclub.com. Link bài viết
Sáng nay ta theo con đường đi xuống. Mùa xuân đang ngự trị, trời xanh diệu kỳ không một gợn mây, nắng xuân ấm áp. Ta rất sảng khoái. Lá cây lấp lánh trong ánh sáng huy hoàng. Đẹp quá. Kìa là núi cao, thâm sâu với dãy đồi xanh vây phủ. Ta lặng lẽ bước đi không suy tư nghĩ ngợi. Ồ, dưới chân ta là một chiếc lá chết, vàng và đỏ thắm, một chiếc lá mùa thu. Chiếc lá mới đẹp làm sao, giản dị trong cái chết của nó, linh động, tràn trề vẻ đẹp và nhựa sống của cây, của mùa hè. Nó chưa tàn úa. Nhìn nó thật kỹ, ta có thể nhận ra rất cả những đường gân nổi, cái cuống và hình dáng tuyệt mỹ. Trong ngọn lá này là dấu ấn của toàn thể cái cây từ đó nó sinh ra.
Tại sao con người lại chết đau thương đến thế, chết trong ưu sầu, trong bệnh hoạn, trong tàn phế vì tuổi tác, trong suy vong và tàn tạ của cơ thể? Sao con người không thể chết tự nhiên, đẹp đẽ như chiếc lá này? Có điều gì không ổn nơi chúng ta nhỉ? Mặc dù có nhiều y sĩ, thuốc men, bệnh viện, phẫu thuật cùng tất cả nỗ lực để sống, những lạc thú cuộc đời, dường như chúng ta không thể nào chết đơn giản và đầy tư cách, chết với nụ cười trên môi.Hôm trước khi đi dạo trên con đường, ta nghe vẳng lên từ phía sau tiếng tụng kinh hài hòa, trầm bổng, mang âm hưởng mạnh mẽ cổ kính của Phạn ngữ. Ta đứng lại nhìn anh con cả lưng trần cầm lư hương bằng đất đang ngún lửa. Theo sau là hai người đàn ông khiêng một cái xác quấn vải trắng. Cả đoàn vừa đi vừa tụng kinh và vì ta biết bài kinh ấy, ta rất muốn tham gia vào đám tang. Ta chờ họ đi ngang để theo xuống dưới đường cùng tiếng tụng kinh. Anh con cả mếu máo. Họ đã khiêng xác cha anh đến bờ sông, nơi có một dàn củi được sắp sẵn. Đặt xác ông cụ lên dàn xong, họ đốt lửa. Sự việc xẩy ra thật tự nhiên, thật đơn giản. Không một bó hoa, xe tang hay xe ngựa, mọi sự diễn ra thật im lặng, thật trang nghiêm. Và chiếc lá này gợi lên trong ta hàng ngàn chiếc lá trên cây. Mùa đông đến, lá phải lìa cảnh mẹ rồi lưu lạc đến con đường này, khô héo, phai nhạt để bay đi, phiêu dạt theo gió đẩy đưa rồi mãi mãi bặt tăm.
Khi dạy cho trẻ con làm toán, tập viết, tập đọc và tất cả những gì đưa đến hiểu biết thì bạn phải dạy cho chúng biết phẩm giá của cái chết. Chết không phải là một thứ bệnh hoạn và đau đớn mà thỉnh thoảng bạn phải đương đầu, chết là một phần của cuộc sống thường nhật – như khi bạn nhìn trời xanh hay con châu chấu trên lá. Chết là một phần của việc học cách sống, như chuyện mọc răng và những ốm đâu nóng sốt của trẻ con. Trẻ con được trời phú cho tính tò mò lạ thường. Nếu bạn hiểu bản chất của cái chết, bạn chỉ cần nói rằng tất cả đều chết, rằng cát bụi trở về với cát bụi, nhưng hãy giải thích không chút e dè cho chúng biết thế nào là chết. Hãy cho chúng cảm nhận được sống và chết chỉ là một, chỉ là một sự cố không bắt đầu vào lúc cuối đời sau 50, 60, hay 90, mà chết giống như chiếc lá.
Bạn có trông thấy các cụ già không? Các cụ tàn tạ, hiu quanh, khổ sở, xấu xí quá. Phải chăng vì các cụ đã không hiểu sống với chết là thế nào? Các cụ đã lạm dụng sự sống, đã tận hưởng nó, đã lãng phí nó trong cuộc tranh chấp không ngừng chỉ có đưa đến sự củng cố thêm cái tôi, ta, tự ngã. Chúng ta sống cuộc đời của mình bằng cách trải nghiệm đủ loại phấn đầu và đau khổ, với công việc bất tận trước mắt, chỉ hưởng được một chút lạc thú ít oi vào những buổi ăn tối xong uống rượu hoặc phì phào thuốc lá. Rồi đến cuối đời, ta phải đối diện với cái ta gọi là thần chết mà người ta rất sợ. Và người ta cứ tưởng rằng họ có thể hiểu được cái chết và cảm nhận nó một cách sâu xa.
Trẻ con với óc tò mò có thể được hướng dẫn để hiểu rằng chết không chỉ là sự héo mòn của thể xác vì tuổi tác, bệnh hoạn hay tai nạn bất ngờ nào đó, mà mỗi một ngày qua đi cũng là cái chết của chính mình.Không có sự phục sinh, đấy là một mê tín, một niềm tin theo giáo điều. Tất cả những gì hiện hữu trên trái đất tuyệt vời này đều sống, chết, thành hình rồi tàn tạ và biến mất. Cần có trí tuệ mới nắm được tất cả chuyển động này của đời sống. Nhưng đấy không phải là trí thông minh phát xuất từ tư duy sách vở hay biểu biết, mà là trí thông minh phát từ tình yêu, lòng bi mẫn với tính nhạy bén của nó. Ta chắc chắn rằng, nếu nhà giáo dục hiểu được ý nghĩa của cái chết và phẩm chất của nó, rằng chết là chuyện vô cùng đơn giản – nếu vị ấy hiểu nó không phải qua tri thức mà hiểu một cách sâu xa – thì vị ấy có thể làm cho trẻ con hay học trò nắm ngay được cái điều rằng sự chết, sự chấm dứt, là điều không cần phải né tránh, vì nó là một phần của toàn bộ đời sống. Nhờ vậy, khi học sinh hay đứa trẻ lớn lên, nó sẽ không bao giờ sợ chết.
Nếu tất cả nhân loại sinh trước chúng ta qua nhiều thế hệ mà vẫn còn sống trên trái đất này thì thật một điều kinh khủng. Khởi đầu không phải là chấm dứt. Và ta muốn giúp – ồ không, ta dùng từ chưa được đúng – ta mong mỏi các nhà giáo dục nên gán cho cái chết một sự thật hiển nhiên nào đó, không phải cái chết của một kẻ khác mà của chính mình. Dù trẻ hay già, ai cũng phải đương đầu với nó. Đây không phải là một chuyện buồn được xây dựng bằng nước mắt, cô đơn, ly biệt.
Người ta giết hại quá dễ dàng, không chỉ giết những con vật cung cấp cho các bữa ăn của chúng ta, mà còn tàn sát chỉ để tiêu khiển, mà người ta gọi là một môn thể thao. Giết một con nai trong mùa săn chẳng khác nào giết người láng giềng của mình. Người ta giết súc vật vì họ đã mất tương quan với thiên nhiên, với những sinh vật sống trên trái đất. Trong chiến tranh con người tàn sát nhân danh những ý thức hệ lãng mạn, nhân danh tổ quốc hay chính trị. Nhân danh Thượng đế người ta giết người. Bạo động và sát sinh luôn đi đôi với nhau.Và trước chiếc lá chết này, chết trong dáng vẻ tuyệt đẹp với tất cả màu sắc tươi thắm của nó, có lẽ ta cũng có thể cảm nhận được tận đáy lòng thế nào là cái chết của chính mình, không phải ở cuối đời mà lúc khởi đầu sự sống. Cái chết không phải là một chuyện gì ghê gớm cần né tránh phân biệt (với sự sống), đúng hơn đấy là một người bạn theo ta từng ngày, trên từng cây số. Từ nhận thức này, sẽ phát sinh một ý thức kì diệu về cái Vô cùng.
Trích sách ‘Krishnamurti, nhật ký cuối cùng’
Krishnamurti
Thích nữ Tuệ Dung dịch.